Việt Nam đang đứng trước những “cơ hội ngàn năm có một” để có thể thu hút đầu tư, tăng cường nội lực, nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua tầm nhìn chiến lược dài hạn đối với chính sách thu hút FDI và chính sách phát triển ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong nước…để có thể tham gia nhóm các nền kinh tế công nghiệp mới nổi trong vòng 5 năm tới.
Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2020 cơ bản chúng ta sẽ trở thành nước công nghiệp hiện đại, nhưng đến giờ phút này mục tiêu đó vẫn chưa thực hiện được như mong muốn, nếu không muốn nói là kỳ vọng “hóa rồng, hóa hổ” còn xa vời.
Công nghiệp chế biến, chế tạo phải là động lực phát triển kinh tế
Trong bối cảnh hiện nay khi hoạt động dịch vụ, thương mại đang ngày càng phát triển nhờ sự tiến bộ vượt bậc của internet và khoa học công nghệ, đặc biệt từ khi khái niệm Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) ra đời, nhiều ý kiến cho rằng ngành sản xuất, công nghiệp chế biến chế tạo không còn vai trò quan trọng đối với nền kinh tế, rằng trong giai đoạn chiến lược phát triển kinh tế, xã hội giai đoạn 2021-2030, Việt Nam nên bỏ mục tiêu trở thành nước công nghiệp mà tập trung vào các ngành dịch vụ và các ngành có lợi thế nhờ CMCN 4.0.